MỐI LIÊN HỆ ẨN GIẤU GIỮA ĐỨC MARIA VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA

“Tôi không phủ nhận rằng Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội nhận lòng thương xót từ Thiên Chúa, nhưng Mẹ cũng là hiện thân của Lòng thương xót này và đó là lý do tại sao một linh hồn được hối cải và thánh hóa nếu linh hồn đó quay trở về với Mẹ.” – Thánh Maximilian Kolbe

Trong nhiều năm tôi vô cùng kinh ngạc về sự trùng hợp ngẫu nhiên giữa ba vị thánh có ảnh hưởng lớn sống ở Krakow vào khoảng cùng thời điểm của lịch sử: Thánh Faustina Kowalska, Thánh Maximilian Kolbe và Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II.

George Weigel đã nêu rõ trong cuốn Thành phố của các vị thánh mà chúng tôi cùng là tác giả, rằng Ba Lan trong thế kỷ 20 là nơi chủ nghĩa Phát xít Đức và chủ nghĩa Cộng sản lần lượt diễn ra. Weigel thêm rằng thuốc giải độc cho những thứ này cũng được tìm thấy ở Ba Lan, đặc biệt trong việc làm, cầu nguyện và hy sinh của ba vị thánh tuy có mối liên hệ nhưng lại khác nhau một cách tuyệt vời này.

Mặc dù có rất ít bằng chứng cho thấy Wojtyla biết về một trong hai vị thánh tương lai kia, bất kể nơi họ sống khá gần nhau, nhưng mối liên hệ trực tiếp giữa họ lại xuất hiện nhiều hơn sau khi qua đời. Trong cương vị giáo hoàng, Đức Gioan Phaolo II là người cổ võ cho cha Maximilian – nhà thánh mẫu học và là vị tử đạo – Ngài phong thánh cho cha vào năm 1982 và gọi cha là “vị tông đồ của kỷ nguyên Thánh Mẫu mới”. Vị giáo hoàng người Ba Lan cũng chính là người truyền bá Nhật ký Thánh Faustina và việc sùng kính Lòng Thương Xót Chúa, thêm Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa vào lịch Giáo hội. Mối liên hệ giữa họ dường như quay về điểm xuất phát khi Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo II được phong thánh vào Chúa nhật kính Lòng Thương Xót Chúa năm 2014.

Tuy nhiên, trong khi viết cuốn Lựa chọn Maria, trong tôi nảy ra ý nghĩ rằng dường như thiếu một mối liên kết giữa Thánh Faustina và Thánh Maximilian. Đâu là mối liên hệ giữa Lòng Thương Xót Chúa và Đức Maria? Tôi bị sự thiếu hụt này hấp dẫn và nghĩ rằng có lẽ có điều gì đó đáng phải nghiên cứu. Tôi linh cảm rằng phải có một mối liên kết sâu xa hơn nữa giữa Lòng Thương Xót Chúa và Đức Maria ở đâu đó trong sự hòa trộn này.

Trước hết, tôi tình cờ đọc được cuốn sách nhỏ của Cha Donald Calloway: Bông huệ thuần khiết nhất: Đức Trinh Nữ Maria trong linh đạo của thánh Faustina. Cha Calloway nói rõ rằng Đức Maria đóng một vai trò quan trọng trong cuộc đời Thánh Faustina – bắt đầu từ rất sớm với chuỗi kinh Mân Côi trong gia đình, và sau đó đơm hoa kết trái trong mối quan hệ đích thực của tình mẫu tử thiêng liêng sâu xa. Như chúng ta thấy trong Nhật ký Thánh Faustina, Đức Maria đã nói chuyện, hướng dẫn và an ủi thánh nữ. Nhưng còn hơn cả thế nữa. Cha Calloway viết:

Vào ngày lễ Đức Mẹ Từ Bi năm 1935, Đức Maria tỏ lộ cho Thánh Faustina mối liên hệ giữa tình mẫu tử thiêng liêng của Mẹ và lòng thương xót Chúa: “Mẹ là Mẹ của tất cả các con nhờ vào lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa.” Thật vậy, Thánh Faustina hiểu rằng Đức Maria là “Mẹ của Lòng Thương Xót”, và do đó, liên kết sâu  xa với sứ điệp và việc sùng kính Chúa Giêsu – Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. (Lilies 63-64)

Tiếp theo, tôi nói chuyện với nhà sản xuất Daniel diSilva về bộ phim Ảnh Chúa Thương Xót (The Image of Divine Mercy), trong phim có bức tranh vẽ đầu tiên về Chúa Giê-su do chị Faustina mô tả, khi đó chị đang sống ở Vilnius, Litva. DiSilva giải thích rằng nhiều thế kỷ trước Vilnius đã được đặt tên là “Thành phố của Lòng Thương Xót”; có một bức tường bảo vệ gọi là Ostra Brama hoặc Cổng Bình Minh bao quanh thành phố. Phía sau cổng là một nhà nguyện nhỏ có ảnh Đức Mẹ Bình Minh. Trong chiến dịch Thụy Điển nhằm càn quét thành phố vào năm 1702, một cánh cổng sắt rất nặng bất ngờ đổ xuống khiến bốn binh lính địch chết ngay lập tức, làm trận chiến bị đảo lộn và dẫn đến chiến thắng của Litva. Dân chúng tin vào bức ảnh Đức Mẹ treo trên tường làm phép lạ. Việc tôn kính ảnh Đức Mẹ Bình Minh linh thiêng dấy lên. Năm 1927, khoảng 8 năm trước khi Lòng Thương Xót Chúa bắt đầu xuất hiện, bức ảnh được đổi tên thành Đức Mẹ Từ Bi. Sau đó, khi bức tranh Lòng Chúa Thương Xót đầu tiên được hoàn thành, nơi đầu tiên trưng bày cũng là nhà nguyện Ostra Brama ở Vilnius. DiSilva nói rằng “giống như Belem, Đức Mẹ đã ở đó (Vilnius) trước, sau đó mới tới Chúa Giêsu.”

Cuối cùng, cuộc hành trình đã đưa tôi trở về với Thánh Maximilian Kolbe, người đã nói về mối liên hệ của Đức Maria với Lòng Thương Xót trong các tác phẩm của mình. Cha Kolbe viết: “Thánh Bê-na-đô nói rằng Thiên Chúa giữ nơi Ngài sự công bằng, nhưng đã trao lòng thương xót cho Mẹ Thiên Chúa. Tôi không phủ nhận rằng Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội nhận lòng thương xót từ Thiên Chúa, nhưng Mẹ cũng là hiện thân của lòng thương xót này và đó là lý do tại sao một linh hồn được hối cải và thánh hóa nếu linh hồn đó quay trở về với Mẹ.” Điều đáng ngạc nhiên là Thánh Maximilian đã viết tư tưởng này trong khi không hề biết Nhật ký Thánh Faustina, tuy nhiên, ngài trực tiếp nối kết Đức Maria với nhật ký ấy.

Và sau hết, tôi tìm thấy viên ngọc nhỏ của Shane Kapler nối kết các sợi dây tâm linh lại với nhau: Gắn kết chuỗi Mân Côi với chuỗi Lòng Thương Xót (Marrying the Rosary to the Divine Mercy Chaplet). Kapler đã bện hai lòng sùng kính lại thành một lời cầu nguyện hữu hiệu. Thay vì nói đọc kinh Mân Côi trước khi lần chuỗi Lòng Thương Xót (hoặc ngược lại), Kapler đề nghị đọc một chục kinh Mân Côi, tiếp theo là một chục kinh Lòng Thương Xót đầu tiên, v.v. Từ kinh nghiệm cầu nguyện này, Kapler viết, “tôi nhận ra rằng khi đưa chuỗi Thương Xót vào chuỗi Mân Côi, tôi đã mời Đức Mẹ đến đọc kinh Lòng Thương Xót với tôi. Chúng tôi cùng nhau đứng dưới chân Thập giá, chuỗi kinh Lòng Thương Xót cho phép tôi nói lên lời cầu nguyện của Mẹ, ‘Lạy Cha hằng hữu, con xin dâng lên Cha…”  Chúng tôi cùng nhau tham dự vào hiến lễ của Chúa Giêsu và, qua đó, đã nguyện xin cho công nghiệp hy tế của Ngài tuôn đổ dư tràn trên Giáo Hội và thế giới.”

Trong khi câu hỏi ban đầu của tôi về mối quan hệ giữa ba vị thánh đặc biệt này có lẽ không được trả lời đầy đủ ở trần thế, thì việc đào sâu tìm hiểu chắc chắn đã xứng đáng với nỗ lực của chúng ta. Mối liên kết có lẽ là những gì chúng ta mong đợi: Đức Maria, với tư cách là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Chúa Kitô, cũng là Mẹ của Lòng Thương Xót. Nhưng như Thánh Maximilian Kolbe đã nói, Mẹ cũng là hiện thân của Lòng Thương Xót Chúa – biến đổi và thánh hóa tất cả những ai đến với Mẹ. Chắc chắn chúng ta có thể thấy điều đó đã được chứng thực trong đời sống của ba vị thánh tại Krakow phi thường này.

Nhận xét