Tìm thấy sự thánh thiện trong lúc bị cô lập
Đôi khi Thiên Chúa cho phép những hoàn cảnh không mong muốn xảy ra để vun trồng sự thánh thiện của chúng ta.
6 vị thánh sau đã tìm thấy sự thánh thiện trong lúc bị cô lập bắt buộc
Khi toàn thế giới tiếp tục phải cách ly để làm chậm sự lây lan của COVID-19, nhiều người cảm thấy choáng ngợp trước sự hiện diện liên tục của người khác – bạn cùng phòng và các thành viên trong gia đình, những người bây giờ không còn được đi ra ngoài hàng ngày nữa. Một số người khác phải ở nhà một mình, thiếu những tương tác đời thường và tự hỏi họ phải tiếp tục trải qua sự cô lập bởi việc cách ly xã hội này như thế nào.
Đối với những ai đang cảm thấy cô đơn khủng khiếp, gương các thánh có thể là một sự trợ giúp. Không chỉ các vị thánh chọn cuộc sống ẩn dật (mặc dù có rất nhiều vị thánh như thế), mà cả những vị thánh bị buộc phải sống một cuộc đời cô độc và đã tìm thấy sự thánh thiện trong hoàn cảnh mà họ đã không chọn lựa
Thánh Pacômô Cả (290-346) được sinh ra trong một gia đình ngoại giáo ở Ai Cập; Sau khi trở lại đạo, Pacômô ước muốn trở thành một ẩn sĩ như những người lành thánh thời bấy giờ. Nhưng khi đang ở sa mạc, Pacômô đã nghe thấy một lời kêu gọi sống trong cộng đoàn. Hoa trái của thời gian cô độc là nền tảng của các đan viện Kitô giáo. Mặc dù trước đó, các ẩn sĩ cũng đã sống thành cộng đoàn, nhưng một cách lỏng lẻo, mỗi người sống tách biệt. Pacômô đã viết luật về đời sống chung và đặt nền tảng cho tất cả các đan viện Kitô giáo – và Ngài đã làm điều đó trong sự thiếu thốn cô độc. Đến lúc qua đời, Pacômô đã thành lập ít nhất tám cộng đoàn, với hàng trăm (nếu không muốn nói là hàng ngàn) các nam nữ ẩn sĩ.
Thánh Patrick (Thế kỉ V), đã thừa nhận rằng, mình không phải là một Ki-tô hữu sốt sắng trước khi bị bắt làm nô lệ ở Ai len. Nhưng trong những giờ phút cô độc khi trông coi đàn gia súc của chủ, nỗi cô đơn và đau khổ đã dẫn Patrick đến một sự thánh thiện sâu sắc. Thay vì gặm nhắm nỗi đau khổ của mình, Patrick bắt đầu suy ngẫm về sự tốt lành của Thiên Chúa. Sau khi thoát khỏi chế độ nô lệ, Patrick đã được thụ phong linh mục và cuối cùng trở về Ai len, trở thành một giám mục và một nhà truyền giáo nhiệt thành. Các Ki-tô hữu Ai len mang món nợ đức tin đối với chàng trai trẻ, người bị buộc phải cách ly và đã trở thành một vị thánh.
Thánh Alice của Schaerbeek (1220-1250) được biết đến với trí thông minh và lòng đạo đức ngay từ khi còn nhỏ. Cô đã trở nên thánh thiện sâu sắc ngay trong cuộc sống đời thường như một nữ tu sĩ giáo dân trên nước Bỉ hiện đại. Nhưng ở tuổi thiếu niên, cô gái năng động, xã hội tính này bị mắc bệnh phong hủi. Đây một căn bệnh được cho là rất dễ lây lan đến nỗi Alice buộc phải rút lui khỏi cộng đồng của mình và sống cô lập. Trong phần thời gian còn lại của cuộc đời, Alice tìm sự an ủi nơi Bí tích Thánh Thể, ngay cả khi cô bị mất thị lực và cuối cùng bị bại liệt. Mặc dù không còn có thể tham dự cuộc sống cộng đoàn của tu viện được nữa, cô đã được an ủi bởi chính Chúa Giêsu, Người đã dạy cô cách chiến thắng sự cô độc.
Chân phước Gioan Vallombrosa (1310-1395) là một tu sĩ người Ý dòng Benedictine. Thầy là một học giả nghiên cứu về những điều huyền bí vượt quá trí hiểu. Chẳng bao lâu sau, Gioan bị phát giác là có liên quan đến ma thuật và các loại ma thuật đen khác. Khi bị phát hiện, thầy Gioan đã không hối hận; thầy bị ném vào nhà tù tu viện trong nhiều năm. Đó là hình phạt cần thiết đối với thầy. Khi được thả ra nhiều năm sau đó, thầy Gioan xin được tiếp tục là một ẩn sĩ trong phòng giam của mình. Thầy nói rằng, “Tôi đã học được trong khoảng thời gian dài ở tù trong tối tăm này rằng không có gì tốt hơn, không có gì thánh thiện hơn là sự cô tịch. Trong cô tịch, tôi khám phá ra những điều thiêng liêng và cố gắng tăng trưởng nhiều hơn”.
Chân phước Julia Rodzinska (1899-1945) là một Nữ tu dòng thánh Đaminh người Ba Lan. Bà là là một giáo viên điều hành một trại trẻ mồ côi và được nhiều người yêu mến. Nhưng nhà dòng và trại trẻ mồ côi đã bị Liên Xô giải tán và khi phát xít Đức xâm chiếm, Mẹ Julia đã bị bắt và bị kết án biệt giam. Trong một năm, mẹ sống một mình trong một căn phòng nhỏ xíu, chật chội, nơi mà mẹ đã biến thành một gian phòng của tu viện nhà kín. Cuối cùng, khi mẹ Julia bị chuyển đến một trại tập trung, mẹ đã không mất niềm tin đã được kiện cường trong sự cô lập. Mẹ hướng dẫn những phụ nữ khác cầu nguyện (đặc biệt bằng chuỗi Mân côi) và phục vụ các tù nhân Do Thái bị bỏ rơi trong cơn bùng phát bệnh sốt phát ban. Mẹ Julia cuối cùng đã chết vì căn bệnh mà mẹ nhiễm phải khi đang phục vụ.
Đấng đáng kính Phanxicô-Xavier Nguyễn Văn Thuận (1928-2002) sinh ra trong một gia đình Công giáo tại Việt Nam. Ngài được thụ phong linh mục ngay trước khi bắt đầu chiến tranh Việt Nam, và sau đó làm giám mục. Sáu ngày trước khi Sài Gòn rơi vào quân đội Cộng Sản, Đức Tổng Giám mục Văn Thuận được bổ nhiệm làm giám mục phó của giáo phận Sài Gòn. Ngài sớm bị bắt và trải qua 13 năm trong trại cải tạo, trong đó có 9 năm biệt giam. Khi ở trong tù, ngài đã viết trên mẩu giấy nhỏ những thông điệp về niềm hy vọng và gửi chúng cho một tín hữu, người đã lén đưa rượu vào để Ngài có thể cử hành Thánh Lễ. Ngài dùng bàn tay mình như chén thánh với ba giọt nước và một giọt rượu cho mỗi cử hành Thánh Lễ. Các tác phẩm của Ngài được biên soạn và xuất bản, là một bằng chứng vĩ đại về những gì mà Chúa có thể làm với chúng ta ngay trong lúc cô đơn. Sau khi được trả tự do, Đức Hồng Y Thuận bị gửi đi lưu vong và qua đời tại Roma.
Meg Hunter-Kilmer
Nhận xét
Đăng nhận xét